Giải thích rõ hơn về khái niệm 2 SIM 2 sóng, cách để không bị gián đoạn khi dùng điện thoại 2 SIM

27.09.2018

Gần đây những tranh luận về khái niệm 2 SIM 2 sóng đã được anh em bàn luận khá sôi nổi nhờ sự xuất hiện của iPhone 2 SIM. Trong khi đó một vài anh em dùng Android vẫn cho rằng những điện thoại 2 SIM của mình mới đúng là 2 SIM 2 sóng, còn iPhone chỉ là 2 SIM 1 sóng thôi. Vậy sự thật là như thế nào? Cách để nhận biết điện thoại của mình có phải là dual active hay không? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho anh em.

Trước tiên khái niệm 2 SIM 2 sóng là chỉ những điện thoại có khả năng bắt được 2 sóng di động của hai mạng các khác nhau (hoặc cùng một nhà mạng). Khi đó cuộc gọi đến vào 1 trong 2 SIM có sẵn trong máy thì đều nhận được cả.

Tuy nhiên, đa phần các điện thoại chỉ hỗ trợ 2 SIM 2 sóng dạng Dual Standby. Máy luôn ở chế độ chờ và sẵn sàng nhận cuộc gọi đàm thoại cho 1 SIM. Vì vậy SIM còn lại sẽ trong trạng thái bị mất kết nối, khi gọi đến sẽ được thông báo là “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.

Vậy một số điện thoại vẫn nhận cuộc gọi từ SIM 2 đến SIM 1, sự thật là thế nào?

  • Máy điện thoại hỗ trợ dual active, thực ra rất hiếm những chiếc máy trên thị trường vào thời điểm này có tính năng như vậy. Mình lấy ví dụ máy hỗ trợ tính năng này là HTC Desire 600 Dual. Máy này khá cũ nên giờ cũng rất khó để kiếm thử nghiệm cho anh em.
  • SIM 2 có sử dụng tính năng chuyển cuộc gọi (khi máy bận) và SIM 1 có bật chế độ cuộc gọi chờ (Call Waiting). Ngược lại cũng như vậy.

Trường hợp 2 chúng ta sẽ gặp nhiều ở thực tế. Một số máy điện thoại của Samsung có mục giúp chúng ta thiết lập sử dụng 2 SIM 2 sóng thực sự. Tức là 2 SIM đều sẽ được bật tính năng cuộc gọi chờ, và thao tác chuyển cuộc gọi khi máy bận từ SIM 1 sang SIM 2 và ngược lại.


Đang tải sim_2_song_tinhte.jpg…

Trong trường hợp này, 2 SIM chưa kích hoạt chuyển cuộc gọi nên khi kích hoạt bật 2 SIM trên máy Samsung bị báo lỗi.

Vì thế, việc nhiều anh em chưa có cơ hội dùng thử iPhone 2 SIM sẽ nghĩ nó chỉ standby được 1 sóng. Sự thật tính năng sử dụng 2 SIM trên iPhone cũng tương tự những chiếc máy Android khác đang có trên thị trường.

Tiếc là iOS 12 trên máy iPhone 2 SIM lại không cho phép thiết lập nhanh và tiện lợi như một số hãng khác nên mới gặp trường hợp SIM 2 không sẵn sàng khi SIM 1 đang có cuộc đàm thoại.

Tuy nhiên bạn chỉ cần bỏ ra một ít thời gian để bật những tính năng đó lên là được thôi.

Vậy chúng ta phân ra làm hai dạng:

  • 2 SIM 2 sóng chờ - Dual SIM Dual Standby (DSDS): 2 SIM luôn hoạt động, nhận cuộc gọi đến từ một trong hai SIM.
  • 2 SIM 2 sóng cùng lúc - Dual Active: sử dụng hai bộ nhận tín hiệu, kết hợp với phần mềm để nhận được 2 cuộc gọi đồng thời từ 2 SIM, hoặc vẫn duy trì kết nối Data khi gọi điện mạng di động thường.


Một trong những mẫu điện thoại hỗ trợ Dual active. Khi có 2 cuộc gọi riêng biệt cùng gọi đến 2 SIM riêng biệt thì giao diện sẽ hiện ra vậy. 

 

Nói thêm về những mẫu điện thoại Dual Active đã từng xuất hiện trên thị trường vào những năm 2013, 2014, phần lớn là điện thoại phân khúc phổ thông hoặc tầm trung. Trong khi hãng sản xuất điện thoại flagship thực tế lại không mặn mà với tính năng 2 SIM chứ không muốn nói là dual active. Tại một số thị trường, điện thoại thường được phân phối dưới dạng hợp đồng nhà mạng từ 12 đến 24 tháng. Khi dòng điện thoại đó có phiên bản nâng cấp thì họ được ưu đãi đổi điện thoại với chi phí hợp lý nếu tiếp tục sử dụng hợp đồng của nhà mạng. Cho dù mẫu điện thoại cao cấp đó có 2 SIM nhưng hợp đồng cung cấp thường chỉ là 1 SIM vì khách hàng không lựa chọn hợp đồng cho SIM thứ 2, vì như vậy họ thà mua 2 điện thoại để hưởng ưu đãi còn hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta thường thấy các flagship có khe SIM thứ 2 kiêm luôn thẻ nhớ microSD để nhà sản xuất dễ dàng đưa ra hai phiên bản máy 1 SIM và 2 SIM mà không phải tốn nhiều chi phí cộng thêm.

Tuy nhiên đối với một số thị trường, điện thoại 2 SIM lại được nhiều người chú ý bởi họ có thể sử dụng thêm một SIM phụ, bên cạnh SIM chính để hưởng ưu đãi về nghe gọi hay nhắn tin. Giải pháp của Apple thì sử dụng eSIM kết hợp với khay SIM truyền thống giúp cố định một số điện thoại chính của người dùng, trong khi SIM còn lại sẽ được gắn thêm khi đi du lịch nước ngoài để hưởng lợi về giá cước. Vì vậy Apple chỉ cần làm ra một phiên bản điện thoại 2 SIM và bán ra trên toàn thế giới. Riêng chỉ có thị trường ’tỷ dân’ là được nhượng bộ do các nhà mạng tại quốc gia này không mặn mà với eSIM. Apple đã phải nhượng bộ để làm ra phiên bản gắn 2 thẻ SIM nếu không muốn mất đi khách hàng tiềm năng.

 

Cách bật tính năng cuộc gọi chờ và chuyển cuộc gọi

Tất cả các dòng điện thoại đều có menu để bật chế độ cuộc gọi chờ (Call Waiting). Dịch vụ này được cung cấp bởi nhà mạng nên nếu chưa được kích hoạt thì bạn có thể liên hệ lên tổng đài để được hướng dẫn.
 

Đây là giao diện của iOS khi có cuộc gọi thứ 2 gọi đến khi đang đàm thoại cuộc gọi thứ 1. Khi chọn End & Accept thì cuộc gọi thứ 2 sẽ bị ngắt. Nhấn Hold & Accept thì sẽ giữ cuộc gọi thứ 1 để nghe cuộc gọi thứ 2.


Lúc này giao diện khi nghe cuộc gọi thứ 2 sẽ hiện ra như vậy.​


Dịch vụ chuyển cuộc gọi giúp chuyển số điện thoại gọi đến (mình gọi là số thứ 3) đến số thứ 2, trong thường hợp số điện thoại số 1 gặp tình trạng như sau:

  • Máy bận: tức là có số điện thoại thứ 4 gọi đến số 1
  • Khi không trả lời: số 1 để chuông nhưng không trả lời bạn
  • Khi tắt máy hoặc không liên lạc được: mất sóng, ngoài vùng phủ sóng.
  • Luôn chuyển

Bạn sẽ phải cước phí cho số điện thoại thứ 1 vì gọi qua số điện thoại thứ 2 tuỳ theo quy định của nhà mạng. Tuy nhiên đa phần dịch vụ chuyển cuộc gọi nội mạng đều miễn phí. Ngoài ra bạn cũng cần kiểm tra xem dịch vụ này đã được kích hoạt trên SIM của mình chưa, khi trường hợp kích hoạt chuyển cuộc gọi bị lỗi.

Trên iOS, Apple chỉ cho phép chuyển cuộc gọi dạng luôn chuyển, tức là lúc nào có cuộc gọi đến SIM 2 sẽ chuyển qua SIM 1. Như vậy chúng ta lại phải thiết lập thủ công để sử dụng 3 trường hợp còn lại nêu trên bằng cách quay số.

  • Máy bận: **67*SốĐiệnThoại# -> OK (gọi)
  • Khi không trả lời: **61*SốĐiệnThoại# -> OK (gọi)
  • Khi tắt máy hoặc không liên lạc được: **62*SốĐiệnThoại# -> OK (gọi)

Cách nhận biết điện thoại có phải là dual active hay không?

  • Trên mỗi SIM, bạn nhấn lệnh ##002# để huỷ chuyển tiếp cuộc gọi.
  • Sau đó vào thiết lập (Settings) cuộc gọi (Phone), chọn mục Call Waiting và tắt tính năng này đi.
  • Với SIM 1 và 2 trên máy 2 SIM, hãy lấy số điện thoại thứ 3 gọi vào SIM 1 trên máy 2 SIM và lấy số điện thoại thứ 4 gọi vào SIM 2 trên máy 2 SIM. Nếu máy nào hiện đến hai cuộc gọi cùng lúc thì máy đó là dual active.


Kết luận

  • Bản chất các mẫu điện thoại 2 SIM hiện này đều là dual standby, rất hiếm có điện thoại nào còn sử dụng dual active làm tăng chi phí sản xuất. Đối với một số điện thoại Android, nhà sản xuất cho người dùng những thiết lập tự động về việc duy trì kết nối khi sử dụng 2 SIM, hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng mất kết nối.
  • Như vậy đối với iPhone, iOS chưa có thiết lập cuộc gọi chờ và chuyển cuộc gọi tự động. Vì vậy chúng ta phải làm thủ công.


Bài viết liên quan

Mời bạn bình luận

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""
    Gọi zalo Zalo Mua Facebook