Không chỉ một mà là 2 con chip mạnh hơn rất nhiều lần so với M1 đã được Apple giới thiệu. Chúng ta đã có bộ đôi chip mang tên M1 Pro và M1 Max với sức mạnh xử lý mạnh hơn rất nhiều lần, tương ứng với những con CPU 10 nhân và mà 16 nhân, kinh khủng,...
M1 Pro: M1 phiên bản scale up, từ 4 lên 8 nhân hiệu năng cao
Cách tiếp cận vấn đề của Apple rất dễ hiểu, MacBook Pro đã có cái tên gắn liền luôn với đối tượng người dùng, đấy là những creator chuyên nghiệp, làm âm nhạc, điện ảnh, đồ họa, v.v… Vì lý do đó, lượng nhân xử lý Icestorm hiệu năng thấp trên M1 Pro được hạ xuống chỉ còn 2 nhân, mức tối thiểu để xử lý những tác vụ cơ bản của hệ điều hành hoặc những phần mềm chạy ngầm, chưa đủ thứ tự ưu tiên để chuyển luồng tác vụ sang nhân Firestorm.
Đó cũng là lý do vì sao, trong những so sánh giữa hiệu năng CPU của M1 Pro/Max Apple đưa ra trong livestream, hiệu năng so với điện năng tiêu thụ của cả hai con chip đều được đặt chung lại với nhau, xét riêng về phần sức mạnh xử lý của nhân CPU, sản xuất trên nền tiến trình 5nm của TSMC. Quan trọng hơn cả, chúng ta đang nhìn vào khả năng của một trong những chip xử lý mạnh nhất trên thị trường laptop, nhưng điện năng tiêu thụ chỉ loanh quanh ngưỡng 30W. Apple M1 với điện năng tiêu thụ từ 10 đến 15W làm được những gì, tất cả đều đã được chiêm ngưỡng, và giờ là lúc M1 Pro phát huy tác dụng để giành lại lòng tin của đối tượng người dùng chuyên nghiệp, đặc biệt là những người tin tưởng sử dụng MacBook trong nhiều năm qua.
Apple hứa hẹn, hiệu năng dựa trên điện năng tiêu thụ của cụm nhân CPU của M1 Pro và M1 Max sẽ cao hơn 70% so với M1 đã hiện diện trên MacBook Air, MacBook Pro, Mac Mini ra mắt năm ngoái, và iMac 24 inch ra mắt đầu năm nay. Hãy tạm xác định đây là hiệu năng đa nhân, vì về cơ bản, kiến trúc nhân xử lý của M1 Pro cũng là scale từ M1 lên.
Về phần hiệu năng xử lý đồ họa, M1 Pro trang bị tối đa 16 nhân GPU, với sức mạnh xử lý cao hơn gấp 7 lần so với những giải pháp iGPU tích hợp trong chip xử lý dành cho laptop x86 đang có trên thị trường. Vấn đề ở đây có lẽ không phải hiệu năng ngon tới đâu, mà phép so sánh của Apple nhắm vào sản phẩm nào, vì hiện tại thị trường laptop Windows đang có không ít những APU khá mạnh từ AMD, còn iGPU tích hợp của chip Intel Core thì vẫn vậy, chỉ phục vụ mục đích xử lý hình ảnh hiển thị. Bản thân GPU trong M1 Pro cũng có hiệu năng cao gấp đôi so với GPU trong M1, và tạo ra hiệu năng cao hơn trong khi tốn ít điện hơn so với những giải pháp discrete GPU đang có trên thị trường laptop Windows hiện tại. Nhìn biểu đồ dễ thấy Apple chọn một “đối thủ” với TDP ở mức 120W, rất có thể là sản phẩm với hiệu năng quanh ngưỡng của Nvidia RTX 1660 Ti:
Và để phục vụ người dùng chuyên nghiệp, nhiều RAM hơn con số tối đa 16GB của thời điểm M1 ra mắt là điều tất yếu. M1 Pro được trang bị tối đa 32GB Unified RAM, cho phép mọi chip xử lý từ CPU, GPU cho tới những con chip đặc dụng trang bị trong die silicon dùng sử dụng và tương tác với nhau thông qua kết nối băng thông 200 GB/s.
Đối với dân làm phim, thay đổi lớn nữa cần bàn đến là chip xử lý tín hiệu format ProRes được đặt thẳng vào die silicon của M1 Pro. Với thay đổi này, chiếc laptop 14 inch sẽ có thể xem đồng thời 7 luồng nguồn phát ProRes 422 độ phân giải 8K, nhiều hơn cả những gì card Afterburner FPGA giá 2000 USD mà Apple trang bị cho máy Mac Pro hiện tại có thể làm được.
Sẽ có hai config M1 Pro trang bị cho MacBook Pro 14 inch, tùy chọn cơ bản trang bị chip với 8 nhân CPU và 14 nhân GPU. Tùy chọn cao cấp nhất sẽ trang bị đủ 10 nhân CPU (8 nhân Firestorm, 2 nhân Icestorm) và 16 nhân GPU.
Những chip xử lý chuyên biệt khác được trang bị trong cả M1 Pro lẫn M1 Max:
- 16 nhân Neural Engine phục vụ tăng tốc xử lý machine learning và tăng chất lượng hình ảnh webcam.
- Engine xử lý tín hiệu cho phép kết nối MacBook Pro với nhiều màn hình ngoài.
- Controller Thunderbolt 4 tăng băng thông input/output.
- Chip xử lý hình ảnh của Apple, kết hợp vận hành cùng Neural Engine để tăng chất lượng hình ảnh chụp và quay từ webcam tích hợp của máy.
- Những tính năng bảo mật: Secure Enclave, hardware-verified secure boot và công nghệ runtime anti-exploitation chống lợi dụng lỗ hổng bảo mật.
M1 Max: “Tối đa” nhân GPU cho dân chuyên nghiệp
Như đã nói, M1 Max khác M1 Pro ở điểm lớn nhất, đó không phải là số nhân CPU. M1 Max vẫn có tối đa 10 nhân CPU (8 nhân Firestorm, 2 nhân Icestorm), nhưng sức mạnh của nó đến từ tối đa 32 nhân GPU để phục vụ người dùng làm phim ảnh và render đồ họa. Apple nói đây là con chip bán dẫn lớn nhất họ từng phát triển, với 57 tỷ transistor, nhiều hơn M1 Pro 70%. Bên trong con chip là lượng GPU đủ tạo ra sức mạnh xử lý tương đương với “những GPU laptop cao cấp nhất trên thị trường” nhưng dùng ít hơn tới 100W điện năng.
Bản chất Apple M1 mới, dù là Pro hoặc Max đều được tạo ra để phục vụ một lượng người dùng nhất định, ở đây chính là những người làm trong ngành sáng tạo. Vì thế hiệu năng GPU trong những biểu đồ mà Apple đưa ra cũng nên hiểu theo hướng phục vụ cho những phần mềm và ứng dụng mà creator hay dùng để làm việc. Nói vậy đồng nghĩa với việc, khi M1 Pro và M1 Max ra mắt, có ai đó cố cài game x86 vào máy, chờ Rosetta dịch code x86 sang ARM để chip xử lý vận hành, không đạt được hiệu năng như Apple hứa hẹn âu cũng sẽ là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra. Dù game luôn là một trong những công cụ benchmark hiệu năng phần cứng hiệu quả nhất thế giới máy tính, nhưng trong trường hợp này, thiết nghĩ nên lấy chính quá trình làm việc hàng ngày của một người làm đồ họa, âm nhạc hay xử lý video để đo đạc khả năng vận hành của chiếc MacBook Pro 16 inch phiên bản mới.
Với tối đa 32 nhân GPU, Apple hứa hẹn hiệu năng xử lý đồ họa của M1 Max sẽ cao hơn gấp 4 lần so với M1. Nhưng với anh em làm video, làm phim ảnh, cụm chip media engine với những chip xử lý chuyên biệt để encode/decode những format phổ biến hiện nay như H.264, HEVC, ProRes và ProRes RAW mới là thứ đáng quan tâm. Đây không phải thứ ai cũng cần, nhưng lại đặc biệt hữu ích cho đúng đối tượng người dùng kể trên. Apple đưa ra ví dụ, tốc độ transcode clip ProRes thông qua M1 Max nhanh hơn 10 lần so với thế hệ MacBook Pro 16 inch trước đó (có thể họ nhắc tới phiên bản trang bị chip Core i9). Đấy mới là sức mạnh thật sự của Apple Silicon, với những chip bán dẫn chuyên biệt phục vụ đúng nhu cầu của đúng đối tượng, thay vì nhồi nhét tối đa lượng nhân CPU đa dụng.
M1 Max sẽ chỉ có 1 config CPU duy nhất trên phiên bản MacBook Pro 14 và 16 inch cao cấp nhất: 10 nhân CPU (8 Firestorm, 2 Icestorm), cùng tùy chọn 24 hoặc 32 nhân GPU, và tối đa 64GB Unified RAM.
Một khía cạnh nữa khiến kể từ lúc M1 ra mắt nhận được nhiều lời khen ngợi chính là khả năng điều chuyển rất thông minh luồng tác vụ từ nhân hiệu năng thấp sang nhân hiệu năng cao, cũng như xử lý đa nhân rất hiệu quả. Anh em sắp mua MacBook Pro 14 và 16 inch vẫn có thể trông đợi khả năng này của hai con chip M1 mới, vừa tối ưu hóa luồng công việc, vừa giữ thời lượng pin ở mức tối đa. Thật ra theo mình đấy mới là điểm cộng lớn nhất của Apple Silicon kể từ khi ra mắt tới nay.
Vấn đề duy nhất mình còn tâm tư là hệ thống tản nhiệt. Sức mạnh của chip xử lý laptop mạnh đến đâu thật ra không quan trọng bằng việc giữ được hiệu năng đó trong quá trình làm việc lâu dài, máy nóng lên không khiến chip bị throttle giảm xung, dẫn đến giảm hiệu năng. Dù phải chờ máy ra mắt chính thức, máy về đến tay mới thử nghiệm được chính xác, nhưng Apple cũng cho biết MacBook Pro mới có hệ thống tản nhiệt quạt kép, vận chuyển được nhiều hơn 50% khí tươi để làm mát cho máy.
Mời bạn bình luận